Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Bí quyết sống ở Nhật Bản


Đọc một đoạn viết ngắn nói về văn hóa Nhật Bản, trong đó có nói về ngôn ngữ, tập quán và nghi thức xã giao. Có lẽ bạn sẽ tìm thấy điều gì đó mà lâu nay bạn vẫn muốn biết.
Giờ làm việc ở công ty
Giờ làm việc của nhiều công ty Nhật Bản bắt đầu từ 9 giờ sáng, kết thúc lúc 5 giờ chiều, nhưng gần đây, ngày càng có nhiều nơi áp dụng chế độ giờ làm việc linh hoạt, cho phép nhân viên ở mức độ nào đó có thể tự điều chỉnh giờ làm việc của mình. Mọi người rất thích chế độ giờ làm việc như thế, vì họ có thể tránh được giờ cao điểm và có thể làm việc phù hợp với nhịp sinh hoạt hàng ngày.
Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều người dù đã xong phần việc của mình vẫn ngại không muốn về vì thấy đồng nghiệp và cấp trên đang làm việc ngoài giờ. Chính lúc này, người Nhật rất hay dùng một câu để biểu lộ sự quan tâm đến đồng nghiệp, đó là OSAKI NI SHITSUREI SHIMASU nghĩa là “Tôi xin phép về trước”.
Ý thức của người Nhật về thời gian
Nhiều người nước ngoài tới thăm Nhật bản thường ngạc nhiên khi thấy tàu điện chạy rất đúng giờ. Đa số người Nhật rất thích làm việc đúng giờ giấc. Theo kết quả khảo sát ý kiến của một hãng sản xuất đồng hồ tầm cỡ, trả lời câu hỏi: “Khi đi làm bằng tàu điện, tàu đến chậm mấy phút thì anh/chị thấy sốt ruột?”, cứ 2 người thì có 1 người cho biết: "Trong vòng 5 phút mà tàu không đến là thấy sốt ruột rồi”.
Người Nhật coi việc đến trước giờ hẹn 5 phút là một quy tắc trong giao tiếp. Bạn sẽ thường xuyên thấy người khác nói rằng, họ có mặt ở địa điểm đúng giờ, nhưng hóa ra lại là người đến sau cùng. Đặc biệt, khi hẹn làm việc, đến muộn rất dễ bị mất lòng tin nên khi thấy có thể bị muộn giờ thì nên gọi điện thông báo, vì chỉ muộn 5 phút là rất nhiều người Nhật đã sốt ruột rồi.

Nguồn: Citizen
Một cách từ chối
Người Nhật rất coi trọng chữ “Hòa” trong các mối quan hệ. Họ không muốn các mối quan hệ bị rạn nứt do từ chối thẳng quá.
Ví dụ, khi được mời một món ăn không thích lắm, trước hết nên nói ARIGATÔ GOZAIMASU, có nghĩa là "Xin cảm ơn" để cảm ơn người mời. Khi muốn từ chối lời mời hay gợi ý nào đó, có thể nói CHOTTO… với hàm ý từ chối. CHOTTO là một từ rất hữu ích, có thể dùng cả khi bạn muốn gọi ai, hay khi muốn từ chối một điều gì đó.
Trong công việc, người Nhật cũng dùng nhiều cách nói vòng, nói tránh. Có một câu điển hình mà người Nhật thường dùng khi muốn từ chối một giao dịch với khách hàng, đó là câu KENTÔ SHITEMIMASU. Tuy KENTÔ SHITEMIMASU có nghĩa là "Sẽ cân nhắc, sẽ xem xét", nhưng đừng mừng vội, vì thực ra, câu này hàm ý là "Xin đừng kỳ vọng sẽ có câu trả lời tốt đẹp."
Rất hân hạnh được làm quen
Nếu đã từng có dịp gặp gỡ hoặc làm việc với người Nhật, bạn sẽ thấy họ thường cúi mình và nói YOROSHIKU ONEGAI SHIMASU. Câu này không chỉ dùng khi tự giới thiệu bản thân, mà dùng cả khi nhờ ai đó giúp đỡ. Đôi khi cũng thấy YOROSHIKU ONEGAI SHIMASU xuất hiện ở cuối thư. Có thể bạn băn khoăn không hiểu người viết thư muốn nhờ mình điều gì. Thật ra, câu này không nói tới việc gì cụ thể, mà có ý nói đến tổng thể nội dung truyền đạt trong thư. Đây có lẽ là một trong những cách diễn đạt điển hình của Nhật Bản. Và nếu ai đó nói với bạn YOROSHIKU ONEGAI SHIMASU, thì bạn có biết mình nên đáp lại thế nào không? Bạn chỉ cần nhắc lại câu đó: YOROSHIKU ONEGAI SHIMASU.
Chào hỏi trong công ty
Nếu bạn xây dựng được mối quan hệ hài hòa với cấp trên hay đồng nghiệp, tức là những người trong công ty, thì sẽ rất thuận lợi cho công việc. Đầu tiên, sáng đến công ty bạn nên chào thật to OHAYÔ GOZAIMASU, nghĩa là"Chào buổi sáng". Với đồng nghiệp hay cấp dưới, có thể chào ngắn gọn OHAYÔ cho thân mật. Khi bày tỏ sự đánh giá hay muốn cảm ơn công sức của ai đó thì nói O-TSUKARE SAMA DESHITA với ý là "Anh/chị đã vất vả quá!". Khi ra về trước người khác thì nói O-SAKI NI SHITSUREI SHIMASU! "Xin phép tôi về trước". GO-KURO SAMA DESU cũng là câu nói cảm ơn công sức ai đó, như "Anh/chị đã vất vả quá", nhưng để nói với cấp dưới thôi, đừng nói với cấp trên nhé!
Cách nói tên qua điện thoại
Sử dụng kính ngữ sao cho đúng khi nói chuyện qua điện thoại là một việc rất khó. Vấn đề nằm ở chỗ, cần phải xác định được đúng mối quan hệ giữa "mình và người nói chuyện với mình". Họ là người cùng công ty hay người ngoài công ty. Khi nói với người ngoài công ty về những người cùng công ty, phải dùng cách nói khiêm tốn, giống như khi nói về bản thân. Ví dụ, khi nói với người ngoài công ty là "Giám đốc Suzuki hiện đi vắng", không nói SUZUKI SHACHÔ "giám đốc Suzuki", hay SUZUKI SAN "ông Suzuki", mà chỉ nói SUZUKI WA GAISHUTU SHITE IMASU "Suzuki hiện đi vắng".
Ở Nhật có nhiều họ phổ biến, nhất là các họ SATÔ, SUZUKI, TAKAHASHI. Ngoài ra còn có rất nhiều họ khác, trong đó có nhiều họ phát âm gần giống nhau. Nếu không nghe rõ họ tên của người đối thoại thì hãy đề nghị nhắc lại một lần nữa bằng câu: MÔ ICHIDO, O-NAMAE O ONEGAISHIMASU "Làm ơn cho biết tên một lần nữa ạ". (Người Nhật thường dùng họ thay cho tên.)
Đồn cảnh sát
Khi nhặt được ví hay điện thoại di động, người Nhật nghĩ ngay là "phải báo cho cảnh sát mới được!" Và khi bị mất đồ quí giá, họ cũng liên lạc với cảnh sát, báo họ bị mất đồ gì và ngày giờ bị mất. Nếu có người đem nộp, cảnh sát nhận được, sẽ liên lạc với người bị mất. Vậy nên, trong đoạn hội thoại trên, chị Yamada mới nói "Dù sao thì hãy cứ báo cảnh sát đã".
Đồn cảnh sát trong các thành phố được gọi là KÔBAN. Đồn cảnh sát được lập ra theo chế độ bảo vệ an ninh trật tự Tokyo từ hơn 100 năm trước đây, sau đó mới được mở rộng trên toàn đất nước Nhật bản. Cảnh sát làm việc ở đây được gọi thân mật là OMAWARISAN. Công việc của họ chủ yếu là đi tuần tra trong khu vực đồn phụ trách, và cũng có rất nhiều công việc khác, như tới hiện trường xảy ra tai nạn, phạm tội, hay là giám hộ trẻ lạc. Và đồn cảnh sát còn là nơi tin cậy số một khi bạn bị lạc đường trong một thành phố xa lạ.
Con dấu riêng
Một trong những đặc điểm văn hóa của Nhật Bản khiến người nước ngoài ngạc nhiên là con dấu INKAN hoặc HANKO. Ở Nhật Bản, khi một người thực hiện các giao dịch quan trọng như mở tài khoản ngân hàng, hay ký hợp đồng nhà ở, không thể thiếu HANKO. Con dấu này được làm bằng gỗ, đá hoặc nhựa, có khắc họ của chủ nhân. Ở một số ngân hàng, chữ ký và con dấu có hiệu lực như nhau, nên có những nơi chỉ cần ký tên cũng có thể mở tài khoản được.
Con dấu còn được dùng cho nhiều công việc khác trong cuộc sống hàng ngày như xác nhận “đã nhận” thư bảo đảm và bưu phẩm. Những con dấu được làm sẵn, khắc những cái họ điển hình của người Nhật như SATÔ, SUZUKI và TAKAHASHI có thể mua được dễ dàng ở các cửa hàng. Tên người nước ngoài, hay những tên họ hiếm gặp cũng có thể đặt hàng và người ta sẽ làm cho bạn.
Dịch vụ dành cho người nước ngoài
Số người nước ngoài sinh sống ở Nhật Bản đang tăng lên. Do khác nhau về tập quán, văn hóa, nên giữa người nước ngoài với người Nhật cũng xảy ra nhiều vấn đề hơn. Chính quyền các địa phương đang thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế những vấn đề đó.
Tại trụ sở hoặc trên trang web của chính quyền địa phương đều có hướng dẫn bằng tiếng nước ngoài, chủ yếu là tiếng Anh, Trung Quốc, Triều Tiên, Bồ Đào Nha, và tiếng Tagalog của Philipin. Có cả thông tin về các cơ sở y tế sử dụng tiếng Anh, thông tin về các dịch vụ công cộng và hướng dẫn vứt rác. Ví dụ, báo cũ cần phải gom lại, đến ngày nhất định trong tuần mới đem ra vứt, vì các nơi quy định ngày thu gom rác khác nhau. Ngoài ra, còn có thông tin về hoạt động văn hóa trong khu phố và giới thiệu những khóa học tiếng Nhật do tình nguyện viên giảng dạy.
Liên hoan công ty
Các công ty Nhật Bản thường tổ chức liên hoan cho nhân viên. Trong đó, điển hình nhất là liên hoan chào đón nhân viên mới, liên hoan chia tay nhân viên thuyên chuyển công tác và liên hoan cuối năm để cảm ơn mọi người đã cố gắng làm việc suốt một năm đó.
Các buổi liên hoan thường được tổ chức vào buổi tối, sau giờ làm việc, mọi người cùng ăn tối, uống rượu và uống trà. Nếu bạn không uống được rượu, thì bạn có thể từ chối khéo léo bằng cách nêu lý do và nói sumimasen, o-sake wa nomenai n desu "Tôi xin lỗi, tôi lại không uống được rượu", thì mọi người sẽ thông cảm với bạn thôi.
Các buổi liên hoan là dịp để bạn làm quen với mọi người, và cũng là nơi bạn hiểu thêm về đồng nghiệp của mình. Thế nên, bạn hãy tham dự khi được mời nhé!
Chào hỏi
Ở Nhật Bản, có nhiều cách mời, chào hay cảm ơn..., tùy thuộc vào từng tình huống. Các bạn hãy nhớ những câu mời, chào, cảm ơn... sau đây:
- Khi về tới nơi, hãy nói TADAIMA "Tôi đã về"
- Chào người mới về tới nơi, hãy nói O-KAERI NASAI "Anh/chị đã về đấy à"
- Khi chuẩn bị đi ra ngoài, hãy nói ITTE KIMASU "Tôi đi đây"
- Khi tiễn ai đó, hãy nói ITTERASSHAI "Anh/chị đi nhé"
- Khi bắt đầu ăn uống, hãy nói ITADAKIMASU "Tôi xin phép ăn" (Xin mời)
- Khi được mời dùng cơm, ăn xong hãy nói GOCHISÔ SAMA DESHITA "Cảm ơn về bữa ăn ngon"
- Cuối cùng, trước khi đi ngủ hãy nói O-YASUMI NASAI "Chúc ngủ ngon"
Đáp lại lời chúc này cũng là O-YASUMI NASAI "Chúc ngủ ngon"
Nắm vững những câu chào hỏi như vậy, bạn sẽ thấy gần gũi với người Nhật hơn.
Văn hóa sử dụng thang máy
Có một số quy ước xử sự khi đi thang máy ở nơi làm việc. Trước hết, khi đợi thang máy, bạn nên đứng ở hai bên cửa thang để không cản trở những người từ trong thang máy ra. Khi vào trong, nếu đi cùng với khách hoặc cùng với cấp trên, nên đứng ở chỗ thuận tiện để chủ động điều khiển thang. Trong thang máy, nếu có người lạ nên tạm dừng nói chuyện, để tránh làm lộ thông tin.
Thực ra, việc giữ im lặng trong thang máy không chỉ giới hạn ở nơi làm việc. Ở các khu mua sắm hay khách sạn cũng vậy, khi ở trong thang máy, về cơ bản nên hạn chế nói chuyện. Đó cũng là phép lịch sự đối với những người đi cùng thang máy với bạn.
Ngôn ngữ cử chỉ
Ngôn ngữ cử chỉ không chỉ bổ trợ cho ngôn từ trong giao tiếp, đôi khi nó còn có sức truyền đạt cao hơn cả ngôn từ. Chúng tôi xin giới thiệu một số ngôn ngữ cử chỉ người Nhật hay dùng. Ở Nhật Bản, cũng giống như Việt Nam, khi gọi “Lại đây, lại đây!”, người ta úp lòng bàn tay xuống, hướng mũi tay ra phía trước và vẫy vài lần. Khi muốn khẳng định điều gì thì gật đầu, còn khi lắc đầu là tỏ ý muốn phủ định. Còn khi đưa ngón tay trỏ chỉ vào mũi mình có nghĩa là “Tôi”. Bây giờ là một câu hỏi, bạn có biết nếu một người chĩa 2 ngón tay trỏ dựng lên trên đầu là có ý gì không? Câu trả lời là, người đó muốn nói “Tôi đang bực mình đây!” hoặc ám chỉ ai đó đang bực mình. Hai ngón tay tượng trưng cho hai cái sừng quỷ đấy các bạn ạ!
Danh thiếp
MEISHI - danh thiếp của Nhật Bản có 2 loại: một loại in theo cột dọc, và một loại in theo hàng ngang. Loại in theo cột dọc chủ yếu in bằng tiếng Nhật. Loại in theo hàng ngang thuận tiện cho việc in bằng cả hai thứ tiếng: Nhật và Anh. Kích thước danh thiếp của Nhật Bản gần như cố định, phổ biến nhất là cỡ 9,1 x 5,5cm. Gần đây, có loại danh thiếp làm bằng giấy tái sinh, có loại in ảnh, hình minh họa, v.v. Khi trao đổi danh thiếp, có một số quy tắc nhất định. Ví dụ, khi nhận danh thiếp của người khác, nên nói CHÔDAI SHIMASU, hàm ý “Rất hân hạnh được nhận danh thiếp của anh”. Bạn nên lưu ý, khi cầm danh thiếp, tránh không để ngón tay che mất chỗ in tên của người trao danh thiếp. Ghi chép cái gì đó vào danh thiếp vừa nhận ngay trước mặt người trao cũng bị coi là hành vi bất lịch sự.
Ba báu vật
Từ thời xa xưa, ở Nhật Bản, kiếm, gương và ngọc là "ba báu vật thiêng" của hoàng gia, được truyền từ đời này qua đời khác. Vào khoảng những năm 1950, khi đồ điện vẫn còn là quí hiếm, tivi đen trắng, tủ lạnh và máy giặt cũng được mệnh danh là "ba báu vật" của các gia đình. Sau đó, những đồ điện gia dụng này trở nên phổ biến, tạo nên thay đổi lớn trong cuộc sống của người Nhật.
"Ba báu vật" của thời đại tràn ngập đồ điện tử hiện nay là gì? Có người cho rằng, trong số ba báu vật đó, hẳn phải có tivi màn hình phẳng hoặc máy ảnh kỹ thuật số. Tuy nhiên, ứng cử viên mới cho vị trí "báu vật" vẫn liên tiếp xuất hiện trên thị trường.
"Ba báu vật" của thế kỷ 21 theo bạn là gì?
Điểm hẹn
Shibuya là một quận ở Tokyo, nơi có trụ sở của đài phát thanh Nhật Bản NHK. Ở đây có một điểm hẹn rất nổi tiếng mang tên "Hachikô", nằm phía trước nhà ga Shibuya. Tại đây có tượng một chú chó đúc bằng đồng, một chú chó trung thành, ròng rã nhiều năm đợi chủ ngoài ga cho dù người chủ đã qua đời.
Gần đây, cùng với sự phổ biến của điện thoại di động, cách mọi người hẹn gặp nhau thay đổi nhiều. Nếu thấy có vẻ như mình sẽ đến muộn, hoặc đến chỗ hẹn rồi mà không thấy người kia đâu, thì bạn có thể nhắn tin hoặc gọi điện thoại báo "tôi sẽ đến muộn" hoặc "anh đang ở đâu?". Như thế, bạn sẽ không phải lo lắng liệu có phải người kia đã gặp chuyện gì không, hay là không biết họ có nhầm điểm hẹn không.
Mặt khác, cũng có người cho rằng, liên lạc thuận tiện đã làm mất đi cảm giác hồi hộp khi hẹn hò và các cuộc hẹn cũng phần nào buồn tẻ hơn.
Thông báo trên tàu
Bạn đã bao giờ lo lắng hồi hộp khi đi tàu ở một nước mà bạn đến lần đầu vì không biết liệu mình có xuống đúng ga cần đến, hay có chuyển đúng tàu hay không? Ở Tokyo, hầu hết thông báo trên tàu như thông báo tên ga kế tiếp, hướng dẫn chuyển tàu... thường được phát bằng cả tiếng Nhật và tiếng Anh. Phía trên cửa ra vào của những toa tàu sản xuất sau này có màn hình tinh thể lỏng, hiển thị thông tin chỉ dẫn bằng cả tiếng Nhật và tiếng Anh. Trên một vài tuyến tàu, thông tin chỉ dẫn trên màn hình còn có cả tiếng Trung Quốc và Hàn Quốc, nên dù không hiểu tiếng Nhật các bạn vẫn có thể yên tâm.
Tuy nhiên, khi tàu điện phải dừng hoặc đến chậm do sự cố hay thời tiết xấu, thông báo chỉ được phát thanh bằng tiếng Nhật. Đây là lúc thử thách khả năng tiếng Nhật của bạn. Hãy bình tĩnh và lắng nghe kỹ nội dung thông báo.
Akihabara
Akiha-bara được biết đến như một khu phố điện tử hàng đầu thế giới. Ở đây tập trung rất nhiều cửa hàng bán đồ điện tử. Gần đây, Akiha-bara còn nổi tiếng là nơi xuất phát những gì mới nhất trong lĩnh vực văn hóa đại chúng của Nhật Bản như hoạt hình và truyện tranh. Vào cuối tuần, rất nhiều bạn trẻ đến Akiha-bara để tìm mua mô hình nhân vật phim hoạt hình, hoặc phần mềm trò chơi điện tử.
Akiha-bara bắt đầu trở thành khu phố điện tử vào những năm 1950. Vào thời kỳ tái thiết kinh tế sau chiến tranh, các cửa hàng bán linh kiện điện tử bắt đầu tập trung ở xung quanh ga Akiha-bara. Số lượng các cửa hàng này tăng lên nhanh chóng. Lúc đó, hầu hết các cửa hàng đều nhỏ với diện tích chỉ vài mét vuông nằm liền kề nhau. Những cửa hàng nhỏ như thế đến nay vẫn còn, và nếu bạn đi bộ ở những ngõ nhỏ ở đây, bạn có thể mua được bất cứ thứ gì, từ ống chân không radio thời xa xưa, đến linh kiện điện tử mới nhất hiện nay.
Đối tác kết hôn lý tưởng.
Ở Việt Nam, điều kiện chọn một người làm vợ hoặc chồng là gì? Ở Nhật Bản, theo kết quả thăm dò của một công ty bảo hiểm, đối với phụ nữ đi làm độ tuổi từ 25 đến 44, điều kiện để chọn một người đàn ông làm chồng là anh ta phải có 3K. 3K là viết tắt chữ cái đầu trong các chữ: kachikan "giá trị quan", kinsen-kankaku "quan niệm và cách tiêu tiền", koyou no antei "có việc làm ổn định".
Cuối những năm 1980, thời kỳ hưng thịnh của kinh tế Nhật Bản, tiêu chuẩn "3 cao" được đề cao hơn, gồm: kou-shinchou "vóc dáng cao", kou-gakureki "học vấn cao" và kou-shu-nyuu "thu nhập cao". Thời đại thay đổi, điều kiện chọn vợ chọn chồng cũng thay đổi theo. Nguồn: AXA điều tra về nhân thọ
Một món đồ không thể thiếu
Ở Nhật, khăn tay là một trong những thứ không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Năm 2010, một công ty điện lực đã tiến hành khảo sát về khăn tay. Trả lời câu hỏi "Bạn có thường mang theo khăn tay không?", 70% trả lời là "Có, luôn mang theo 1 chiếc". Tính cả những người trả lời là "không phải lúc nào cũng mang, nhưng cũng thường mang theo", thì kết quả sẽ là 85% có mang khăn tay. Ở các cửa hàng bách hóa và cửa hàng quần áo lớn có bày bán khăn tay với nhiều chất liệu và màu sắc khác nhau. Nếu đến Nhật Bản, bạn hãy thử đến một quầy bán khăn tay xem sao nhé!
Chia đều hóa đơn thanh toán
Ở Nhật Bản, khi ăn uống cùng bạn bè, người ta thường thanh toán tiền kiểu WARIKAN, nghĩa là chia đều hóa đơn thanh toán. Khi bạn đi với người lớn tuổi hơn, có khi họ sẽ trả hết hoặc trả nhiều hơn bạn. Trong trường hợp đó, bạn nên bày tỏ sự cảm ơn bằng câu: GOCHISÔ SAMA DESHITA, nghĩa là"xin cảm ơn về bữa ăn". Khi bạn trả tiền cả phần của người khác thì nói: OGORU hoặc GO-CHISÔ SURU.
Thế còn khi đi ăn cùng với bạn trai hay bạn gái thì thế nào? Trước đây, người ta vẫn cho nam giới là người phải trả tiền, nhưng ngày nay, phụ nữ tham gia vào xã hội ngày càng tích cực hơn, WARIKAN "chia đều hóa đơn thanh toán" dường như cũng trở nên phổ biến hơn.
Món ăn yêu thích của người Nhật
Nói đến món ăn người Nhật thích nhất, chắc chắn đó là sushi. Theo kết quả khảo sát của đài NHK năm 2007, 73% số người trả lời nói rằng "tôi thích sushi". Con số này đứng đầu danh sách. Vị trí thứ hai là món cá sống sashimi. Món cá nướng đứng thứ 5. Kết quả này cho thấy người Nhật rất thích ăn cá. Trong danh sách 10 món được ưa chuộng nhất, có 2 món của nước ngoài được chế biến cho hợp với khẩu vị của người Nhật. Đó là món ramen và món càri. Ramen là mì nước của Trung Quốc. Cà ri là món có nguồn gốc Ấn Độ.
Dịch vụ giao hàng tận nhà
Ở các thành phố lớn như Tokyo, nhiều người đi mua sắm bằng tàu điện hoặc xe buýt. Khi mua hàng nặng hoặc cồng kềnh, nếu tự mang về thì rất vất vả. Vì vậy, nhiều cửa hàng đồ điện gia dụng và cửa hàng bách hóa có dịch vụ giao hàng tận nhà cho khách. Dịch vụ này rất tiện lợi, vì bạn có thể chỉ định ngày giao hàng và khoảng thời gian giao hàng.
Khi hàng được mang đến, bạn chỉ cần ký nhận vào giấy chứng nhận giao hàng. Vậy nên, khi người giao hàng tới, và nói với bạn câu: SUMIMASEN, KOKO NI SAIN O ONEGAI SHIMASU, nghĩa là "Xin hãy ký tên vào chỗ này", thì bạn hãy ký tên vào tờ giấy anh ta đưa ra nhé!
Từ đồng âm khác nghĩa
Trong tiếng Nhật có rất nhiều từ đồng âm khác nghĩa. Ví dụ: KÔEN có thể là "công viên", "bài giảng", "hậu thuẫn"... Vì cách phát âm của các từ này giống hệt nhau, nên ta chỉ có thể đoán nghĩa dựa vào ngữ cảnh. Từ AYAMARU có 2 nghĩa hoàn toàn không liên quan đến nhau là "nhầm lẫn" và "xin lỗi".
Ngoài ra, có những từ mà phát âm cơ bản giống nhau, nhưng ý nghĩa lại khác nhau tùy vào ngữ điệu. Ví dụ: HASHI phát âm theo một cách thì có nghĩa là "cây cầu", hay "ven, rìa...", còn phát âm theo cách khác lại có nghĩa là "đôi đũa". Cuối cùng, xin giới thiệu với các bạn một câu nói nhanh dùng các từ đồng âm khác nghĩa niwa!
Ura niwa niwa niwa, niwa niwa niwa niwatori ga iru. Câu này có nghĩa là "Trong sân vườn sau có hai con gà, trong sân vườn trước có 2 con gà".
Khen ngợi, động viên tại nơi làm việc
Người ta thường làm việc nhiệt tình hơn khi được khen ngợi. Có nhiều kiểu lời khen. Ví dụ, SASUGA "Tôi biết anh sẽ làm được mà", II DESU NE "Rất tốt đấy", hay SUBARASHII "Tuyệt vời" và O-MIGOTO "Xuất sắc". Tuy nhiên cũng cần chú ý cách khen vì những lời khen có thể không làm cho mối quan hệ tốt hơn, mà còn gây ra kết quả ngược lại. Nếu cứ mãi khen ai đó một cách sáo rỗng, thì lời khen có thể giống như lời chế nhạo hay mỉa mai, hoặc giống như lời buộc tội hoặc hạ thấp người khác. Ngoài ra, đừng quên nguyên tắc, khen thì khen trước mặt nhiều người, và phê bình thì chỉ nên nói khi không có người khác ở xung quanh.
Dị ứng
Người ta cho rằng, cứ 3 người Nhật thì có 1 người bị dị ứng, ví dụ dị ứng phấn hoa hay hen suyễn, và cứ 14 người thì có 1 người dị ứng thực phẩm. Đặc biệt, số trẻ em dị ứng thực phẩm đang ngày càng tăng. Các trường tiểu học cung cấp ăn trưa đang tìm biện pháp đối phó với tình trạng này. Một trường tiểu học ở Hiroshima dùng dụng cụ nấu bếp riêng và không sử dụng cả trứng gà lẫn đậu tương, là 2 thực phẩm có thể gây dị ứng. Một trường tiểu học ở Hokkaido thì cố gắng làm cho suất ăn của những em dị ứng trông giống như suất ăn bình thường. Ví dụ, món trứng cuộn tamagoyaki cho các em dị ứng trông như làm bằng trứng thật, nhưng thực chất là cá và bí đỏ. Khoảng 20% dân số Nhật Bản được cho là bị dị ứng phấn hoa, và căn bệnh này đang trở nên phổ biến trên toàn nước Nhật. Nguyên nhân là do phấn hoa của các loài cây như tuyết tùng và cỏ phấn hương... gây nên. Người bệnh thường bị chảy nước mũi và hắt hơi kéo dài, khó tập trung học và làm việc. Mùa xuân là mùa phấn hoa tuyết tùng phát tán mạnh nhất, nhiều người đeo khẩu trang và kính mắt để ngăn phấn hoa xâm nhập cơ thể.
Miêu tả triệu chứng bệnh
Chúng tôi xin giới thiệu một số mẫu câu dùng khi muốn nói bị đau gì đó. ~GA ITAI DESU có nghĩa là "đau cái gì đó". "Đau răng" là HA GA ITAI DESU. "Đau đầu" là ATAMA GA ITAI DESU. Nhiều gia đình Nhật Bản luôn có nhiệt kế trong nhà. Nếu cảm thấy người không khỏe thì việc đầu tiên là đo thân nhiệt. Việc cung cấp thông tin chính xác bạn sốt bao nhiêu độ, vào lúc nào, sẽ giúp bác sỹ chẩn đoán chính xác. Nếu bạn biết nhiệt độ cơ thể của mình thường là bao nhiêu độ, thông tin đó sẽ giúp ích cho bạn và các bác sỹ khi có gì bất thường với sức khỏe.
Hôrenso
HÔRENSÔ là những nguyên tắc cơ bản trong thông tin liên lạc ở công ty Nhật Bản. HÔRENSÔ là từ ghép 3 chữ cái đầu của 3 từ: HÔKOKU, RENRAKU , SÔDAN. Từ HÔRENSÔ này giống một kiểu chơi chữ, vì đồng âm với từ "rau chân vịt". HÔKOKU là báo cáo. Bạn cần báo cáo thường xuyên về tiến độ công việc để khi có vấn đề xảy ra, đồng nghiệp và cấp trên có thể ứng phó ngay được. RENRAKU là liên lạc. Bạn cần thông báo với cấp trên và đồng nghiệp về kế hoạch và lịch làm việc của mình. Nếu định về thẳng nhà sau khi xong việc ngoài công ty, hoặc nếu muốn nghỉ, hãy nhớ báo cho cấp trên và đồng nghiệp biết. SÔDAN là tham khảo ý kiến. Bạn nên hỏi xin ý kiến của mọi người xung quanh. Nếu bạn là người mới đi làm, còn ít kinh nghiệm như anh Cường, thì bạn có thể hỏi bất cứ điều gì mà không sợ xấu hổ. Trong tiếng Nhật có một câu tục ngữ, nghĩa đen là "Hỏi thì xấu hổ một lần. Không hỏi thì xấu hổ cả đời".
Những điểm du lịch nhiều người yêu thích
Nếu đến thăm Nhật Bản, bạn muốn đi thăm những nơi nào? Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Du lịch tiến hành năm 2009, khi hỏi du khách nước ngoài đến Nhật Bản đã đi thăm những nơi nào, thì Shinjuku ở Tokyo là địa điểm được nhiều người thích nhất. Có 34,8% số khách du lịch đã đến đây. Kyoto và Akihabara cũng là những điểm đứng gần đầu danh sách. Những nơi này có cơ ở lưu trú phong phú, cảnh quan và không khí đặc biệt và có nhiều cơ hội mua sắm hấp dẫn. Trên thực tế, những điểm du lịch này cũng là những điểm tham quan rất được yêu thích của các trường học. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội tham quan du lịch của các trường học Nhật Bản, điểm du lịch mà học sinh trung học yêu thích nhất lần lượt là Kyoto, Tokyo, Nara và Okinawa. Tại những nơi đó, học sinh không chỉ tham quan tìm hiểu các di tích nổi tiếng, mà còn có cơ hội tự tay làm đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống, ví dụ như làm đồ gốm hay nhuộm chàm.
Cụm dân 
CHÔNAI-KAI hoặc JICHI-KAI là tổ chức cụm dân cư do những người cùng sống trong một khu vực tình nguyện lập nên, nhằm làm cho cộng đồng ngày càng tốt đẹp hơn.
Một trong những hoạt động chính của cụm dân cư là giữ gìn vệ sinh khu phố, như trong đoạn hội thoại của bài. Ngoài ra còn nhiều hoạt động khác như: lên kế hoạch và tổ chức lễ hội mùa hè hoặc lễ hội bắn pháo hoa trên địa bàn để mọi người trong khu phố thấy mình đang sống trong một cộng đồng đoàn kết.
Cụm dân cư cũng có thể tổ chức tập luyện phòng chống thiên tai, chuẩn bị cho tình huống xảy ra động đất lớn và tổ chức đi tuần tra trong khu phố để ngăn ngừa tội phạm.
Giao tiếp với hàng xóm
Mỗi nước đều có những phong tục tập quán khác nhau. Một tỉnh ngày càng có nhiều dân là người nước ngoài đã tiến hành khảo sát và kết quả cho thấy số vụ rắc rối giữa người nước ngoài và dân địa phương liên quan đến tiếng ồn và vứt rác không đúng quy định đang gia tăng.
Về việc phân loại rác, mỗi vùng có quy định phân loại và lịch thu gom rác khác nhau và rắc rối thường xảy ra, ngay cả giữa người Nhật. Ở những nơi có nhiều người nước ngoài sinh sống, một số chính quyền địa phương hướng dẫn phân loại rác bằng tiếng nước ngoài và tranh minh họa cỡ lớn.
Bạn đừng nghĩ “phân loại rác thật là ngại quá … ” hay “chỉ có mỗi mình vứt thế này chắc là không có vấn đề gì …”. Bạn hãy cố gắng duy trì mối quan hệ hòa hợp với những người sống cùng khu phố bằng cách vứt rác đúng quy định!
Chỉ là vấn đề rác thôi, nhưng bạn đừng xem nhẹ, hãy chú ý hợp tác thực hiện cho tốt nhé!
Để giao tiếp tốt hơn
Ở Nhật Bản, chữ Hòa cũng được áp dụng trong công việc. Điển hình là câu O-KAGE SAMA DE, có nghĩa là “nhờ có anh/chị”. Ví dụ “Nhờ có anh mà chúng tôi có được hợp đồng này”. Mặc dù thực tế có thể bạn là người có công chính, nhưng bạn vẫn nói O-KAGE SAMA DE để thể hiện thái độ đánh giá cao sự hợp tác của những người xung quanh.
Nếu bắt đầu câu chuyện bằng những từ như ZANNEN NAGARA “Thật tiếc là …” thì người nghe có thể hiểu được bạn sắp cho họ biết tin gì đó không tốt lành lắm.
OSSHARU TÔRI DESU GA nghĩa đen là “Những gì anh/chị nói là đúng nhưng….” Đây là câu mở đầu khi trình bày một ý kiến phản biện, với hàm ý “Tôi rất hiểu những gi anh/chị nói, nhưng …”.
Nếu dùng các mẫu câu này một cách thuần thục, thì bạn có thể được coi là một nhân viên thực thụ rồi.
"Dọn dẹp bàn thì thế nào nhỉ?".
Các công ty sử dụng lao động là người nước ngoài thường có chương trình đào tạo nhân viên mới cách ăn nói và ứng xử theo phong cách điển hình của Nhật Bản. Tuy vậy, vẫn xảy ra tình huống không hiểu đúng ý do cách nói mơ hồ đặc trưng của người Nhật.
Ví dụ, một cấp trên thấy nhân viên người nước ngoài để bàn làm việc bừa bộn bèn nói KIREI NI SHITARA? "Dọn dẹp bàn thì thế nào nhỉ?". Ngày hôm sau, bàn làm việc của nhân viên vẫn bừa bộn như thế. Cấp trên nói câu kia là muốn nói rằng, "Sao cậu không dọn dẹp bàn ngay đi, khách đến mà thấy bàn làm việc bừa bộn như thế thì sẽ rất khó nhìn", nhưng người nhân viên đã không hiểu đúng ý của cấp trên, tưởng câu KIREI NI SHITARA? chỉ là câu hỏi "Dọn dẹp thì thế nào nhỉ?" nên đã không làm gì cả. Có lẽ, cấp trên phải chỉ thị rõ ràng là "Trên bàn không được để cái gì khác ngoài máy tính cá nhân".
Nghệ thuật làm việc ở Nhật Bản là phải hiểu được ẩn ý đằng sau những câu nói mơ hồ.
Đi làm bằng tàu điện
Những người Nhật đi làm bằng tàu điện làm gì trong thời gian ngồi trên tàu? Theo khảo sát của một công ty khảo sát tư nhân thực hiện năm 2010, việc mà nam giới thường làm nhiều nhất trên tàu là "đọc sách đọc truyện", trong đó có truyện manga, tiếp đó là "đọc quảng cáo trên tàu", rồi "nhìn ngắm phong cảnh bên ngoài" và "suy nghĩ việc gì đó". Đối với phụ nữ, đứng đầu danh sách câu trả lời là "chơi trò chơi hoặc gửi tin nhắn bằng điện thoại di động". Tiếp theo là "đọc sách" và "nghe nhạc". Ngoài ra cũng có nhiều người cả nam và nữ trả lời là họ "ngủ" khi tàu chạy. Rất ít người trả lời là "nói chuyện với ai đó". Thực ra, trên tàu điện, ngoài thông báo trên loa, ít khi nghe thấy tiếng người nói chuyện. Điều này có thể lạ đối với những người đến từ những nước mà hành khách đi tàu thường nói chuyện với nhau. Thế nhưng bạn nên "nhập gia tùy tục". Trên một toa tàu chật kín người, đột nhiên bạn nói chuyện điện thoại, chắc chắn bạn sẽ gặp những cái nhìn lạnh lùng. Nguồn: L-NET CO.,LTD
Cuộc sống năng động sau khi về hưu
Tỷ lệ người già trong dân số Nhật Bản đang ngày một tăng. Theo một cuộc khảo sát của một cơ quan liên quan đến bảo hiểm nhân thọ, người về hưu thích nhất là đi du lịch, tập thể dục thể thao, thưởng thức ẩm thực và đọc sách.

Lý do dẫn đến những sở thích đó rất phong phú, chẳng hạn như để “cho đầu óc hoạt động”, “làm cho cuộc sống sau khi về hưu ý nghĩa hơn”. Sở thích nào cũng nhằm duy trì cho mình một tâm hồn và cơ thể khỏe mạnh.

Nguồn: Trung tâm Văn hóa Bảo hiểm Nhân thọ Nhật Bản
Chiếu tatami
Tatami là chiếu truyền thống của Nhật Bản, dùng để lát sàn nhà. Khác với chiếu cói của Việt Nam, chiếu tatami là rơm ép thành tấm dày, bề mặt bọc một lớp chiếu cói mỏng. Gần đây, nhiều nơi dùng nguyên liệu mới trong ngành xây dựng như xốp styron thay cho rơm trong lõi chiếu. Chiếu tatami có đặc trưng là mùa hè thì rất mát mà mùa đông thì rất ấm.
Ở vùng Kanto phía Đông Nhật Bản, chiếu tatami có kích thước dài 176cm, rộng 88 cm. Vùng Kansai phía Tây thì dùng chiếu có kích thước lớn hơn một chút.
Ngày xưa, chiếu tatami được lát ở hầu hết các phòng trong nhà, nhưng ngày nay, do ảnh hưởng của văn hóa Âu Mỹ, số phòng lát chiếu tatami trở nên ít hơn. Cho dù vậy, ngay cả trong nhà kiểu châu Âu hay những khu nhà chung cư, nhiều nơi vẫn thiết kết 1 căn phòng kiểu Nhật lát chiếu tatami.
Ngoài ra, chiếu tatami cũng được dùng làm đơn vị đo diện tích của căn phòng. Khi nghe nói căn phòng 6 chiếu, mà bạn hình dung được ngay căn phòng đó rộng bao nhiêu thì bạn đúng là rất hiểu về Nhật Bản đấy ạ!
Phòng chống thảm họa
Khi xảy ra thảm họa lớn, có thể bạn sẽ không có đủ đồ dùng thiết yếu trong vài ngày. Để đề phòng, bạn nên chuẩn bị sẵn "túi đồ dùng khẩn cấp", trong đó có nước, thức ăn, đèn pin, pin và thuốc men. Cũng nên có một chiếc đài xách tay để nghe tin tức mới nhất.
Khi xảy ra động đất, đồ đạc trong nhà có thể đổ xuống. Bạn nên đối phó bằng cách gia cố cho đồ đạc bám chắc vào tường. Trong trận Đại động đất Hanshin Awaji năm 1995, mái nhà sập và đồ đạc đè vào người là nguyên nhân chính gây tử vong. Khi những đồ đạc lớn trong nhà đổ xuống thì không chỉ gây thương vong, mà còn gây khó khăn cho việc sơ tán và cứu hộ. Nguyên tắc cơ bản của phòng chống thảm họa là phòng ngừa trước khi xảy ra các bạn nhé !
Thời tiết
Nhật Bản có 4 mùa rõ rệt, và người Nhật rất quan tâm, yêu thích sự thay đổi của bốn mùa. Khi viết một bức thư trịnh trọng, theo phép lịch sự, bạn nên bắt đầu bằng một câu chào liên quan đến thời tiết. Khi muốn bắt chuyện với người mới gặp lần đầu tiên, có thể bắt đầu bằng vài câu nói về thời tiết. Người Nhật không nói chuyện chính trị và cũng không nói chuyện riêng tư trong các câu chuyện xã giao.
Có một ví dụ cho thấy chuyện về thời tiết gần gũi với người Nhật như thế nào. Bạn đã nghe thấy cụm từ HARE-ONNA hay AME-OTOKO bao giờ chưa? HARE-ONNA nghĩa đen là “chị đẹp trời”, chỉ những phụ nữ mà khi đi ra ngoài hay đi du lịch thì thường may mắn gặp trời nắng đẹp. Còn AME-OTOKO nghĩa đen là “anh bị mưa” thì chỉ những người đàn ông mà không biết vì sao, vào lúc không ai muốn trời mưa nhất thì lại mưa khi có hoạt động liên quan đến người này.Trên thực tế, có nhiều người Nhật hay tự nhận mình là HARE "đẹp trời" hay AME "mưa". Thế còn bạn, bạn ở nhóm nào?
Cắt uốn tóc
Ở Nhật Bản, khi muốn cắt tóc bạn có thể đến BIYIÔIN, tức "hiệu cắt uốn tóc" hoặc TOKOYA, tức "hiệu cắt tóc". "Hiệu cắt uốn tóc" thường có cả dịch vụ trang điểm. Còn hiệu cắt tóc chủ yếu phục vụ khách nam giới và có dịch vụ cạo mặt. Chúng ta cùng tìm hiểu một số từ ngữ hay gặp ở những nơi này. MAEGAMI là từ đã xuất hiện trong đoạn hội thoại, có nghĩa là "tóc mái". Từ này cũng có thể nói ngắn gọn là MAE. Ngoài ra, cũng nên nhớ các từ ERIASHI "tóc gáy", MOMIAGE "tóc mai".
Còn khi muốn uốn tóc thì nói PAMÂ O ONEGAI SHIMASU, nghĩa là “Tôi muốn uốn tóc”.
Nếu không có yêu cầu gì đặc biệt về kiểu tóc và độ dài, thì bạn có thể nói OMAKASESHIMASU, nghĩa đen là “Tôi xin để anh/chị quyết định”, hàm ý "Tùy anh/chị cắt thế nào cho hợp là được".
Chi dùng cá nhân của người hưởng lương
Trong gia đình các bạn, ai là người quản lý thu chi? Ở Nhật Bản, trong khoảng 70% số gia đình, vợ là người quản lý thu chi. Số tiền người chồng được chi dùng riêng vì thế bị giới hạn. Theo một cuộc khảo sát do một ngân hàng thường xuyên tiến hành từ cách đây 30 năm, chi dùng cá nhân trong hộ gia đình năm 2010 là 40.600 yên/tháng. Hơn một nửa số người trả lời cho biết, họ dùng khoản tiền đó để "ăn trưa" và "phục vụ sở thích riêng". Trong khoản tiền hạn hẹp, họ phải khéo léo chi tiêu không chỉ cho bữa trưa, mà còn cho những bữa ăn uống với đồng nghiệp và cho cả sở thích riêng nữa. Khi được hỏi "anh tiết kiệm khoản nào nhiều nhất?", hầu hết nam giới đều trả lời là "tiết kiệm tiền ăn trưa". Họ đem cơm hộp từ nhà đi, hoặc chọn ăn ở những cửa hàng rẻ. Nguồn: Ngân hàng Shinsei
Phương châm 4 chữ
Ở Nhật, các công ty hay dùng thành ngữ 4 chữ Hán để thể hiện phương châm của công ty mình. Phương châm là SEISHIN-SEII, tức "Thành tâm thành ý". Câu này hay dùng trong các ngành nghề dịch vụ. Ngoài ra còn có câu FUEKI-RYÛKÔ, nghĩa là “Bất dịch lưu hành”. Người ta cho rằng, Matsuo Bashou, nhà thơ Haiku vĩ đại thời Edo, đã đề ra thành ngữ này để thể hiện bản chất của thơ haiku. FUEKI có nghĩa là tinh thần vĩnh viễn không thay đổi. RYÛKÔ là tiếp thu cái mới mẻ và biến hóa cùng thời đại. Cuối cùng, chúng tôi xin giới thiệu với các bạn một thành ngữ 4 chữ Hán được người Nhật sử dụng rộng rãi nữa. Đó là: ICHIGO-ICHIE. Thành ngữ này có nguồn gốc từ trà đạo, hàm ý “chỉ gặp một lần trong đời”. Câu này nhắc nhở chúng ta hãy trân trọng mỗi thời khắc quý giá, đối đãi với khách bằng tất cả sự chân thành, vì bạn sẽ không bao giờ có có lại trải nghiệm đó lần thứ hai.
Đào tạo nhân lực
Ở Nhật có câu "Công ty cũng là một con người", muốn công ty phát triển cần quan tâm đầy đủ. Vì thế, các công ty Nhật Bản rất coi trọng việc đào tạo nhân lực. Người có thâm niên hướng dẫn cho những người mới vào từ những việc nhỏ nhất. Ngoài ra còn rất nhiều chương trình đào tạo khác. Đặc biệt, trong việc đào tạo nhân viên mới, không chỉ có đào tạo về chuyên môn mà còn đào tạo cả về tinh thần bằng các hoạt động như đi bộ đường trường, ngồi thiền... Trong việc đào tạo viên chức tại các cơ quan hành chính địa phương, để rèn luyện tinh thần phụng sự, có nơi yêu cầu toàn bộ nhân viên trong sở đi thu nhặt rác thải. Để tăng cường sự gắn bó và nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, có nơi còn đào tạo cho nhân viên thuần thục các điệu múa truyền thống địa phương.
Cách xin lỗi gỡ điểm
Ai cũng có lúc thất bại. Nếu chỉ trình bày lý do hoặc xin lỗi một cách sỗ sàng thì có thể gây ấn tượng xấu. Hãy khéo léo xin lỗi để gỡ điểm và tạo ấn tượng tốt hơn. Trong kinh doanh, người ta thường xin lỗi bằng các câu: SUMIMASEN, Môshiwake GOZAIMASEN và SHITSUREI ITASHIMASHITA.Trong trường hợp có mặt đối phương, cùng với câu xin lỗi, nên cúi đầu thật thấp. Khi bị mắc kẹt trong một sự cố tàu điện, bạn đến công ty trễ giờ, tuy bạn không có lỗi gì thì vẫn nên có lời xin lỗi. Dù lý do là thế nào, bạn đã không giữ được lời hứa, đã gây phiền cho đối phương, bạn xin lỗi là vì điều đó. Một khi đã thành thật xin lỗi, bạn chỉ còn cách nỗ lực để lấy lại sự tin cậy qua những công việc tiếp sau.
Ẩn ý trong giao tiếp
Chúng ta đã biết, người Nhật thường có xu hướng nói mơ hồ. Đó là bởi vì người Nhật hiểu được ẩn ý của đối phương. Như trong hội thoại, thay vì nói trực tiếp là “muốn về”, anh Cường chỉ nói "SOROSORO", hàm ý “sắp đến lúc cháu phải...”. Chỉ cần nghe như vậy, vợ chồng chủ nhà đã hiểu ý anh Cường muốn về rồi. Hiểu được ẩn ý của đối phương có nghĩa là nắm được ý đối phương, không phải chỉ bằng lời nói, mà còn bằng biểu hiện trên khuôn mặt và không khí của cuộc nói chuyện. Trong tiếng Nhật, “hiểu ẩn ý của đối phương” là KÛKI O YOMU. Nghĩa đen của cụm từ này là "đọc không khí”, nghĩa bóng là nắm được không khí của cuộc nói chuyện.
Cho phép tôi làm gì đó
Trong hội thoại của người Nhật hiện nay rất hay xuất hiện cụm từ SASETE ITADAKIMASU. Hình như càng ngày, càng có nhiều người cho rằng, phải dùng cụm từ này mới đủ biểu thị sự tôn kính. Ví dụ như mở đầu cuộc họp, người ta hay nói SETSUMEI SASETE ITADAKIMASU "Cho phép tôi được trình bày". Thật ra, câu này chỉ cần nói SESUMEI ITADAKIMASU "Tôi sẽ trình bày" là được. Ở lối vào một cửa hàng thường có biển JÛJI KARA EIGYÔ SASETE ITADAKIMASU nghĩa là, "Cho phép chúng tôi mở cửa từ 10h". Đây cũng là cách dùng không đúng đâu! Tuy vậy, từ ngữ hay lời nói có thể thay đổi theo thời gian. Những cách nói như vậy rồi cũng có thể trở thành "tiếng Nhật đúng cách"!
Bồn tắm
Ở Nhật Bản, hầu như nhà nào cũng có bồn tắm, to cỡ một người đàn ông ngồi duỗi được chân, nước ngập tới vai. Nước trong bồn tắm để dùng cho cả gia đình, nên mọi người thường gội đầu và tắm sạch người trước khi vào bồn. Người Nhật rất hay đi du lịch các nơi có suối nước nóng. Du lịch để tắm suối nước nóng được gọi là Onsenryokou. Ở một vài khách sạn kinh doanh suối nước nóng còn có những bồn tắm ngoài trời Rotenburo mà vào đó, khách có thể vừa ngâm mình, vừa ngắm phong cảnh thiên nhiên bên ngoài. Loại hình du lịch này rất được yêu thích vì có thể giúp thư giãn tinh thần rất tốt.
Thức ăn theo mùa
Nhật Bản có bốn mùa, mùa nào thức nấy. Chúng tôi xin giới thiệu một vài loại thực phẩm theo mùa. Tiêu biểu cho mùa xuân là takenoko và hatsu-katsuo. Takenoko là măng, còn hatsu-katsuo là cá thu đầu mùa. Mùa hè có kyuri-dưa chuột, và unagi-lươn Nhật Bản, hay cá chình. Dưa chuột là loại rau rất có giá trị, giúp giải nhiệt cho cơ thể, phòng tránh chứng cảm nóng mùa hè. Mùa thu, đúng như cái tên "mùa thu ẩm thực", là mùa thu hoạch nhiều loại rau quả, trong đó có kaki-quả hồng, kinoko-nấm đông cô, và cũng là mùa cá sanma-cá thu Nhật. Mùa đông thường có các loại thực phẩm giúp làm ấm cơ thể, như daikon-củ cải, hay cá tara. Thực phẩm mùa thu hoạch thường dồi dào nên giá hợp lý và nhiều người ưa thích. Đặc biệt, hải sản đúng mùa, tươi ngon thường được đánh giá cao. Chợ vào mùa thường tràn ngập những tiếng rao khỏe khoắn như: "Cá thu đầu xuân năm nay đây!".
Đặc sản
Quần đảo Nhật Bản trải dài từ Bắc tới Nam, nên địa hình và khí hậu các địa phương rất khác nhau, cảnh sắc phong phú bốn mùa. Địa phương nào ở Nhật Bản cũng đều có đặc sản. Chè là đặc sản của Shizuoka, một tỉnh nằm dưới chân núi Phú Sĩ. Nơi đây tự hào là vùng chè lớn nhất của Nhật Bản. Shizuoka tiếp giáp với biển, nên còn được thiên nhiên ưu đãi nhiều loại hải sản tươi ngon như cá trắng nhỏ shirasu, tôm hồng sakuraebi. Tất nhiên, Tokyo cũng có đặc sản, đó là rong biển, nguyên liệu không thể thiếu trong món sushi. Rong biển vịnh Tokyo nổi tiếng là có vị ngọt và hương thơm đậm đà. Ngày nay, nếu mua hàng qua mạng, bạn có thể thưởng thức đặc sản trên toàn nước Nhật ở ngay nhà mình. Tuy nhiên, sẽ thú vị hơn nếu ta thật sự đi tới các vùng và thưởng thức đặc sản tại đó. Bạn có đồng ý như vậy không?
Núi Phú Sĩ
Mùa đẹp nhất để leo núi Phú Sĩ là tháng 7 và tháng 8. Trong hai tháng này, có hơn 300 ngàn người muốn chinh phục đỉnh núi. Trong đó, gần 30% là người nước ngoài. Tuy là mùa hè, nhưng khi leo lên gần đỉnh cao 3.766m so với mặt nước biển, nhiệt độ hạ thấp, thời tiết thay đổi nhanh. Áo mưa, đồ dùng chống rét, đồ uống, thực phẩm dự trữ là những thứ cần thiết cho một cuộc leo núi. Hơn nữa, cũng cần phải chú ý các bệnh về độ cao. Tuy núi Phú Sĩ được tất cả mọi người yêu thích không phụ thuộc vào tuổi tác và giới tính, nhưng phụ nữ không được phép leo núi cho tới cách đây 150 năm. Tuy vậy, có ghi chép cho thấy, trước đó, đã có phụ nữ cải trang đi cùng nam giới chinh phục đỉnh núi này. Điều này chứng tỏ từ rất xa xưa, đỉnh núi Phú Sĩ đã có sức hấp dẫn con người đấy các bạn ạ!
                                                                                                                              Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét